|
Không phải cơ sở GD nào cũng đủ điều kiện để triển khai mô hình THTM (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Nội dung này được nói đến tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ số 4.0 trong xây dựng THTM” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 27-3.
Người học được hình thành nhiều kỹ năng
Tại hội thảo, nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo công nghệ, mô hình giảng dạy tích hợp, mô hình lớp học đảo ngược đã được chia sẻ.
Cụ thể “Mô hình dạy học sáng tạo trong GD thông minh”, hệ thống GD 4.0 hướng đến người học làm trọng tâm với các mô hình giảng dạy, học tập linh hoạt. Mặt khác, hệ thống được hội nhập GD toàn cầu, ứng dụng nền tảng học trực tuyến, học trên thiết bị di động ở bất cứ nơi đâu. Việc áp dụng mô hình quản lý người học cũng theo phương thức hiện đại, các cơ sở dữ liệu lớn được kết nối để đánh giá kết quả đầu ra.
“Mô hình GD thực tế ảo (Virtual Reality - VR) trong GD STEM” giúp người học cảm nhận không gian mô phỏng một cách chân thực nhờ kính nhìn 3 chiều (kính thực tế ảo). Môi trường 3D ảo được tạo ra và điều khiển bởi một hệ thống máy tính. Đặc biệt, một số hệ thống VR còn cho phép mô phỏng âm thanh, mùi vị chân thực cho phép người học tiếp cận thông tin một cách trực quan, tập trung cao độ và có thể tương tác, sáng tạo.
Nói về ứng dụng công nghệ số 4.0 trong xây dựng THTM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - chia sẻ, dự án đầu tư hệ thống THTM là một trong những bước chuẩn bị để cùng với TP thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. THTM sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động GD; đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Tham gia THTM, giáo viên sẽ sử dụng bảng tương tác, thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Việc tổ chức thi, kiểm tra được thực hiện trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân... Còn đối với HS, học trong môi trường trực tuyến, có SGK điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn bè xung quanh. Đặc biệt, HS sẽ có thời gian hình thành, rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm để trở thành công dân toàn cầu.
Cần có lộ trình chuẩn bị
Không thể phủ nhận THTM mang đến môi trường học tập, tương tác hiện đại, phù hợp với xu thế, giúp HS hình thành các kỹ năng. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho rằng có rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc triển khai thực hiện.
Trao đổi ngoài lề hội thảo, thầy Nguyễn Thành Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) - khẳng định, đây là một mô hình mới, là phương tiện phục vụ dạy học. Nhưng khi triển khai phải tính đến tính phù hợp, hiệu quả ở các trường. Bởi điều kiện giữa các trường vùng ven sẽ khác nội thành, chưa kể sĩ số HS mỗi lớp học giữa các trường không giống nhau. Mặt khác, phải tính đến tính phù hợp của chương trình. Kế hoạch Bộ GD-ĐT đưa ra đến năm 2019 sẽ thay SGK, vậy mô hình này liệu có phù hợp với chương trình SGK mới không? Có ứng dụng được cho nhiều môn học không? Chưa kể, mô hình sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học, tiếng Anh đòi hỏi giáo viên phải giỏi chuyên môn, kỹ năng mới sử dụng hiệu quả.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4 lại tỏ ra lo ngại về kinh phí tổ chức. Theo vị hiệu trưởng này, muốn thực hiện, trước hết đòi hỏi nhà trường phải đáp ứng cơ sở vật chất, phương tiện. Nhưng xét về ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư sẽ rất khó. Ngược lại, vận động xã hội đóng góp càng khó hơn vì kinh phí đầu tư lớn. Còn nếu mỗi quận, huyện lựa chọn một vài trường thực hiện sẽ không có sự công bằng cho HS vì các em không được tiếp cận đồng đều.
Thuộc vùng ngoại thành, có nhiều khó khăn hơn so với các trường nội thành, thầy Nguyễn Văn Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Thị Trấn 2 (huyện Củ Chi) - chia sẻ, muốn triển khai thì trước tiên phải cho xã hội thấy được tính hiệu quả của mô hình này. Qua đây mới dễ dàng vận động xã hội hóa kinh phí, trực tiếp là sự hỗ trợ từ phụ huynh. Về phía cán bộ quản lý, phải tích cực xắn tay vào làm, có kế hoạch chuẩn bị cụ thể và làm tốt công tác tham mưu. Riêng đội ngũ giáo viên, cần được tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng để chủ động trong tiếp nhận, xây dựng chương trình. Và HS cũng cần được xây dựng tính chủ động, tích cực, chuẩn bị kỹ năng cơ bản về CNTT để có thể tương tác, chia sẻ kiến thức hiệu quả.
Nguyễn Trinh